Trong quá trình nuôi xương chi cho Bonsai không phải ai cũng có may mắn là nuôi được tay chi cho mọc đúng vị trí cần. Nhất là trường hợp cành rơi là hay bị tình trạng thiếu xương để làm đủ tàn. Nhiều khi nuôi được 1 cành rơi rất dài nhưng chi để tạo xương chi cho dày tàn thì lại thiếu: Hoặc là không có, hoặc chỉ có mọc một bên một nên không thể làm được 1 tàn rơi đẹp đúng nghĩa được.
Để khắc phục tình trạng thiếu hoặc mọc sai vị trí của xương chi, chúng ta có thể áp dụng kỹ thuật: Đảo cành lấy chi.
Để hiểu rõ hơn chúng ta sẽ tham khảo chi tiết của việc thực hiện kỹ thuật này:
Trước tiên chúng ta quan sát hình ảnh 1 cây vừa được uốn sửa xong:
Trên hình chúng ta thấy đây là 1 cây may mắn có tương đối đầy đủ xương chi để ta có thể uốn sửa được 1 bộ tàn tương đối đủ và kín với các chi mọc đúng tất cả các vị trí: Xét điển hình là cành rơi: các chi mọc đúng chỗ, co đầu lượn ra sau có 1 chi, tiếp đến là chi đuổi, đến co 2 đưa về trước cũng có 1 chi đúng chỗ và cứ thế theo nhịp lắc lượn của cành rơi ta thấy cành rơi của cây này hầu như có đủ chi tại các chỗ cần thiết, tạo cho cành rơi rất tình và ấm tàn.
Tuy nhiên, để có được như vậy khó ai biết rằng, chỉ trước đó khoảng 1 tiếng đồng hồ, các chi xương của cành rơi này hầu như bị mọc sai chỗ và rất thưa, nhìn là biết không thể làm đủ tàn rơi rồi:
- Cây lúc ban đầu, các chi xương của cành rơi bị mọc sai vị trí: co đầu thì lại lượn về phía trước làm mất chiều sâu của cành, đã vậy 2 chi xương đầu lại mọc về phía trước che hết cả cành rơi, co đẹp và lại bị cùng về 1 phía. Chưa kể cành rơi thì thẳng đuột, chi xương thưa thớt, suôn đuột cho đến hết ngọn cành rơi luôn:
- Để cành rơi đẹp, chúng ta phải làm sao uốn lại sao cho co đầu tiên của cành rơi phải đi ra sau, cành rơi phải có độ lắc lượn thật là khúc khuỷu đến độ 3D để nhìn ấn tượng, không bị thấy thẳng tắp và suôn tuột và phải làm sao để có nhiều chi thì cành rơi mới ấm tàn được.
Muốn vậy chúng ta phải áp dụng kỹ thuật : Đảo cành lấy chi:
Đầu tiên chúng ta dùng lực tay, uốn thật khéo léo sao cho co đầu của cành rơi phải đảo hẳn 180 độ ra sau để nhìn cho có chiều sâu, khi uốn đảo được co đầu ngược ra sau thì cũng có nghĩa là ta đã mang được chi xương 1 của cành rơi ra sau cho đúng vị trí. Tương tự ta dùng sức (chú ý đến độ giãn nở của cành, tránh bị gãy) uốn ngược chi xương 2 và 3 thành chi đuổi và chi xương 3 đằng trước đúng kỹ thuật, tham khảo hình ảnh sau khi đã uốn:
- Tiếp tục kỹ thuật Đảo cành để các chi cần thiết về đúng vị trí cho đến hết chiều dài của cành rơi, chúng ta sẽ có 1 cành rơi hoàn hảo hơn nhiều so với ban đầu chưa uốn:
Tiếp tục chỉnh sửa các chi khác, sau cùng chúng ta sẽ có được 1 cây tương đối hoàn thiện với gần như đầy đủa chi xương ở các vị trí mong muốn để cho bộ tàn tương lai được kín, ấm và tình hơn.
Vài điều lưu ý:
- Để có thể uốn lật ngược cành 180 độ cần phải đạt đến "cảnh giới" cảm giác gãy. nếu đạt đến mức độ cảm giác này sẽ cảm nhận được sự gãy từ từ bên trong cốt cành. Nếu cảm thấy được sẽ uốn khó gãy hay nứt hơn.
Nếu không cảm giác được có thể dùng dây nylon quấn chặt cành trước khi quấn dây nhôm để uốn.
Trong các trường hợp nứt gãy thì cố gắng xoắn vặn sao cho cốt cành toạc đôi theo chiều dọc là cây khó chết nhất, dùng thuốc bôi lên cây sẽ từ từ liền thẹo.
- Một cành rơi đẹp phải đạt 2 yếu tố là nhìn phải 3D và có những co ấn tượng:
Để uốn được nét 3D cần phải uốn được cành sao cho Lắc và Lượn thật nhiều thì nhìn sẽ rất có chiều sâu (Lắc là uốn các co theo chiều nằm ngang, Lượn là uốn các co theo chiều thẳng đứng).
Tạo các co ấn tượng: tùy theo khả năng và cảm nhận của mỗi người cũng như tùy theo khả năng về độ cong của từng loại cây mà uốn các khúc co sao cho nhìn "khó chịu" nhất là được.
Theo Nghệ nhân Lâm Ngọc Vinh.
Đăng nhận xét